Xem xét, thẩm định tại chỗ là gì? Ai sẽ người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?

Xem xét, thẩm định tại chỗ là gì? Khi nào thì cần phải tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ?

Căn cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Xem xét, thẩm định tại chỗ là việc Toà án đến tận nơi có tài sản đang tranh chấp để tiến hành thu thập tài liệu, chứng với sự chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định. Phải báo trước để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Đây là một biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng, là căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

Ai là người trả chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.

(1) Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

– Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án.

– Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

(2) Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:

– Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

– Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

– Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

– Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

– Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

– Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

Như vậy, trong trường hợp của chị, bên nguyên đơn sẽ là người nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Sau khi kết thúc vụ án, người phải đóng khoản chi phí này sẽ được xác định lại tuỳ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *