XÁC ĐỊNH TUỔI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo và bị hại trong vụ án hình sự là điều vô cùng quan trọng đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi. Họ có đặc điểm thể chất cũng như tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ. Thế nên đây là đối tượng đặc biệt và cần có những quy định riêng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vậy tuổi đối với chủ thể trên được xác định như thế nào?
Có thể thấy, việc xác định tuổi người bị buộc tội và người bị hại trong vụ án hình sự là điều vô cùng cần thiết để nhằm các mục đích như:
+ Thể hiện quan điểm của Nhà nước về xử lý tội phạm, đặc biệt là người chưa thành niên
+ Làm cơ sở để xác định có chịu trách nhiệm hình sự hay không
+ Làm cơ sở để định tội
+ Làm cơ sở để xác định khung hình phạt;
+ Làm cơ sở để xác định tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
+ Tránh tình trạng xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm;
+ Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dưới 18 tuổi khi tham gia các hoạt động tố tụng hình sự
– Đối với vấn đề này, Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện. Bên cạnh đó, nếu đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:
+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh
+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh
+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh
– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
Đồng thời, tại Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã quy định việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi sẽ căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Giấy chứng sinh;
+ Giấy khai sinh;
+ Chứng minh nhân dân;
+ Thẻ căn cước công dân;
+ Sổ hộ khẩu;
+ Hộ chiếu.
Nếu không có các giấy tờ, tài liệu nêu trên hoặc có sự mâu thuẫn, không rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phối hợp với gia đình, người đại diện hoặc người thân thích; nhà trường; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh. Nếu các giấy tờ, tài liệu có sự mâu thuẫn thì sẽ tiến hành thủ tục hỏi, lấy lời khai để xác minh làm rõ sự mâu thuẫn, không rõ ràng đó.
– Ngoài ra, trong trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Có thể thấy, các quy định đã thể hiện rõ việc xác định tuổi phải được kết luận theo hướng có lợi nhất cho người bị buộc tội và người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 hoặc 0997.222.666 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *