Thủ tướng “lệnh” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, PCI Lâm Đồng có cải thiện?

Tỉnh Lâm Đồng đang chứng kiến cả GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và PCI sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nên nhà đầu tư kỳ vọng sẽ sớm được “giải cứu”.

Lâm Đồng đang chứng kiến cả GRDP và PCI sụt giảm nghiêm trọng.
GRDP và PCI Lâm Đồng sụt giảm nghiêm trọng

Tỉnh Lâm Đồng thường xuyên nằm trong top đầu cả nước về chỉ số GRDP. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh lại đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành cả nước về GRDP.

Đáng lo ngại hơn là chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 9/5/2024 cho thấy, chỉ số PCI năm 2023 tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 39 bậc so với năm 2022.

Nhiều chỉ số thành phần của PCI giảm điểm, thứ hạng so với năm 2022 như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động…

Ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thừa nhận: “Nhiều người nói rằng là rơi tự do chứ không còn tụt nữa. Từ vị trí 17 xuống 56 là vấn đề mà không thể không tự hỏi tại sao chúng ta như thế này”.

Cần phải nhấn mạnh, dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho thấy trong gần 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có dự án đầu tư cấp mới. Điều đó có nghĩa không có bất cứ nhà đầu tư nào tìm đến Lâm Đồng.

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã liệt kê một số nguyên nhân như: Các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các FTA; nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng do năng lực tài chính hạn chế;….

Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự lành mạnh

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương năm 2024 diễn ra ngày 22/6/2024, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thừa nhận, thời gian qua, sự phối kết hợp giữa cán bộ, các cấp chính quyền với doanh nghiệp có lúc chưa tốt, chưa thể hiện sự chia sẻ đồng hành, thiếu thiện chí, thiếu sự quan tâm với doanh nghiệp trong xem xét, xử lý các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Quá trình đầu tư vào Lâm Đồng, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật, thậm chí có vi phạm nên bị xử lý. Điều này khiến cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương chưa thực sự lành mạnh.

Một trong những yếu tố kéo lùi môi trường kinh doanh của tỉnh Lâm Đồng là đất đai. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho thấy có chỉ số quan trọng năm 2023 bị giảm điểm nhiều nhất là chỉ số tiếp cận đất đai với đà giảm 1,41 điểm xuống còn 6,43 điểm.

Cụ thể chỉ số tiếp cận đất đai: Có 53% tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 48% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian; 71% tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai.

Doanh nghiệp lao đao vì tỉnh “tiền hậu bất nhất”

Như đã nêu trên, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Lâm Đồng được khẳng định là chưa thực sự lành mạnh. Một trong những yếu tố gây nên tình trạng này là các vấn đề liên quan đến đất đai. Dù không có thống kê nào chỉ ra đâu là nguyên nhân chính nhưng vướng mắc đất đai được doanh nghiệp “kêu cứu” rất nhiều.

Sân golf Đồi Cù của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đang là một trong những dự án được quan tâm tại Lâm Đồng.

Sân golf Đồi Cù của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đang là một trong những dự án “nóng” nhất hiện nay tại Lâm Đồng. Dự án khiến dư luận quan tâm vì những quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình và hoãn cưỡng chế tháo dỡ công trình được đưa ra liên tục. Câu chuyện bắt nguồn từ việc “tiền hậu bất nhất” của tỉnh.

Sân golf Đồi Cù là dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng vào năm 1991. Theo giấy phép thành lập, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Hoàn thành sân golf 18 lỗ. Giai đoạn 2: Xây dựng nhà câu lạc bộ gồm bộ phận đón tiếp, nhà phụ trợ.

Năm 2016, sau khi đưa vào vận hành giai đoạn 1, ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Gia ĐL cho biết, theo phát động của chính quyền trong việc xây dựng các công trình kỷ niệm 130 ngày thành lập thành phố Đà Lạt, chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng để triển khai giai đoạn 2 thì được biết một phần khu đất để xây dựng giai đoạn 2 nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Thực tế, thời điểm dự án được cấp phép, khu đất của sân golf không có đất rừng. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa 29,5ha thông do công ty trồng vào rừng phòng hộ. Tuy nhiên, từ năm 2020, Thủ tướng phê duyệt quy hoach thành phố Đà Lạt thì số rừng 29,5ha này không nằm trong quy hoạch. Có nghĩa là lúc xây dựng tòa nhà câu lạc bộ là không nằm trên đất rừng.

Đến năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng rút lại quyết định này theo Văn bản số 5805/UBND-LN.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến công trình trở thành “vi phạm” và buộc phải tháo dỡ.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố Đà Lạt ban hành quyết định đó thì cũng không có gì khó khăn cả. Có nghĩa là cơ quan chức năng không có yêu cầu biện pháp bổ sung là tháo dỡ công trình mà họ cho 90 ngày. “Còn trong 90 ngày đó, doanh nghiệp phải hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện cấp phép. Thủ tục đó chính là chuyển mục đích sử dụng đất. Thì nhảy sang lại vướng cái đất đất rừng thì lại họ chưa được giải quyết”, ông Trung đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong 90 ngày là bất khả thi vì lúc xin làm thủ tục cấp phép thì Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thống nhất cho xây dựng công trình vì sân golf Đồi Cù không nằm trong khu vực 2 thuộc danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương.

“Sau đó, chính cơ quan này lại lật kèo cho rằng, sân golf thuộc khu vực 2 và đề nghị xin phép bộ, dẫn đến việc không thể cấp phép trong 90 ngày. Thực tế quy hoạch của Thủ tướng, sân golf không nằm trong khu vực 2 này”, ông Hùng khẳng định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng vậy, ban đầu thì thống nhất trình tỉnh để chuyển 5.600m2 đất rừng để làm nhà câu lạc bộ. Sau đó nói đất rừng trong sân golf là không chuyển đổi mục đich đất được do sở chưa nghiên cứu kỹ và nhận trách nhiệm thuộc về mình.

“Nói tóm lại là hai sở trên làm việc bất nhất nên việc xây dựng công trình tòa nhà câu lạc bộ golf không thể xin phép trong vòng 90 ngày được. Việc cố tình gây ra như trên, UBND thành phố Đà Lạt mới có cở sở để ra quyết định tháo dỡ toàn bộ công trình”, ông Hùng bức xúc.

Doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc tại Sân golf Đồi Cù.

Thủ tướng “lệnh” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mong được “giải cứu”

Trong bối cảnh sân golf Đồi Cù xoay như đèn cù và nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng, trong bối cảnh Lâm Đồng “rơi tự do” cả GRDP và PCI, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 71 với các giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

Công điện khẳng định: Kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, song còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và quý 3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trần Quốc Hùng kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ “lắng nghe” và “thấu hiểu” hơn, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Chính quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì không chỉ mình doanh nghiệp được hưởng mà hàng trăm người lao động (chỉ tính riêng trong Hoàng Gia ĐL) sẽ có đời sống tốt hơn, ổn định hơn. Đó là an sinh xã hội”, ông Hùng giãi bày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *