THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH CỬA HÀNG
Cơ sở pháp lý đăng ký kinh doanh cửa hàng
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Nghị định số 39/2007/NĐ-CP Về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp
Trường hợp cần đăng ký kinh doanh cửa hàng
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại nhưng không không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật bao gồm đối tượng sau:
- Buôn bán rong: các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định.
- Buôn bán vặt: các hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
- Bán quà vặt: các hoạt động bán đồ ăn, nước uống có hoặc không có địa điểm cố định.
- Buôn chuyến: các hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc bán lẻ.
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe,.. và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Việc kinh doanh cửa hàng không thuộc trường hợp được quy định ở trên nên bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh cửa hàng.
Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh cửa hàng mới nhất
Căn cứ Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, chủ kinh doanh gửi hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh cửa hàng đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi mình dự tính kinh doanh bao gồm những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, sẽ có văn bản thông báo trong đó có nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Quy định về đăng ký kinh doanh cửa hàng
Để biết thêm những quy định của pháp luật về việc đăng ký kinh doanh cửa hàng, quý bạn đọc có thể tham khảo thêm các điều khoản sau trong Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
- Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
- Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
- (Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Đặt tên hộ kinh doanh
- Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
- Cụm từ “Hộ kinh doanh”;
- Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
- (Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ giấy phép, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.