THỜI GIAN ĐƯA VỤ ÁN HÀNH CHÍNH RA XÉT XỬ LÀ BAO LÂU?

THỜI GIAN ĐƯA VỤ ÁN HÀNH CHÍNH RA XÉT XỬ LÀ BAO LÂU?

Một quá trình tố tụng hành chính phải trải qua nhiều giai đoạn và hẳn là nhiều người còn chưa rõ về thời gian đưa ra xét xử của một vụ án hành chính. Bởi vì thời gian xét xử trong các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm là hoàn toàn khác nhau. Vậy nên hãy cùng tìm hiểu thời gian đưa vụ án hành chính ra xét xử theo quy định của luật Tố tụng Hành chính trong bài viết sau đây.

 

Thế nào là vụ án hành chính?

  • Khái niệm

  Vụ án hành chính là tranh chấp phát sinh khi cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri của cơ quan nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.

  • Điều kiện phát sinh vụ án hành chính:

  + Hành vi khởi kiện.

  + Tòa án tiến hành thụ lý vụ án hành chính.

  + Đối tượng khởi kiện chịu sự điều chỉnh của Luật Tố tụng được quy định cụ thể từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

Các giai đoạn tố tụng trong tố tụng hành chính

  • Khởi kiện

  Khi có người nộp đơn khởi kiện, Tòa án sẽ nhận và xem xét đơn khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án hay không

  • Thụ lý vụ án

  Nếu đã đủ tài liệu, chứng cứ và thuộc thẩm quyền của Tòa án, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và thông báo đến đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản.

  Cơ sở pháp lý: Điều 126 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Chuẩn bị xét xử.

  Ở giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành xem xét tài liệu, chứng cứ cũng như quyết định có đưa vụ án hành chính ra xét xử không. Thẩm phán trong giai đoạn này phải tiến hành ra một trong ba quyết định: đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.

  Cơ sở pháp lý: khoản 6 Điều 131 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Xét xử sơ thẩm.

  Đây là giai đoạn tiến hành mở phiên tòa khi vụ án được đưa ra xét xử.

  • Xét xử phúc thẩm

  Là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

  Cơ sở pháp lý: Điều 203 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Giám đốc thẩm, tái thẩm.

  Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm là việc xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực ngay khi Hội đồng xét xử ra quyết định.

  Giám đốc thẩm là việc xem lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực khi khi bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

  Tái thẩm là việc xem lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực khi phát hiện tình tiết mới của vụ án, có căn cứ chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ hoặc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

  Cơ sở pháp lý: Điều 254, Điều 255, Điều 278, Điều 280, Điều 281, Điều 286 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

Thời gian đưa vụ án hành chính ra xét xử

Xét xử sơ thẩm

  • Thời hạn thụ lý vụ án

  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, tiến hành thụ lý, chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền, trả lại đơn khởi kiện.

  Trước khi thụ lý, Tòa án sẽ thông báo nộp tạm ứng án phí (nếu có). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án. Sau khi nhận được biên lai, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án.

  Cơ sở pháp lý: Điều 121, Điều 125, Điều 126 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

  Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc: từ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, được gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

  Đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: từ 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, được gia hạn một lần nhưng không quá 01 tháng.

  Trong thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.

  Cơ sở pháp lý: Điều 130, Điều 131 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

Xét xử phúc thẩm

  • Thời hạn kháng cáo, kháng nghị

  Thời hạn kháng cáo: đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.

  Thời hạn kháng nghị: đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

  Cơ sở pháp lý: Điều 206, Điều 213 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Thời hạn thụ lý vụ án

  Sau khi xác nhận tính hợp lệ của đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo việc nộp tiền tạm ứng án phí.

  Trong 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí, nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí và Tòa sẽ cấp giấy xác nhận về việc nhận biên lai. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án sẽ tiến hành trả lại đơn khởi kiện.

  Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị và hết thời hạn kháng cáo.

  Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

  Cơ sở pháp lý: Điều 123, Điều 206, Điều 209, Điều 213, Điều 216, Điều 217 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Thời hạn chuẩn bị xét xử

  Trong vòng 60 ngày kể từ ngày thụ lý, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

  Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 221 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

Giám đốc thẩm

  • Thời hạn đề nghị chủ thể có quyền xem xét kháng nghị

  Đối với đương sự: 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

  Đối với Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác: luật tố tụng không có quy định về thời hạn.

  Cơ sở pháp lý: Điều 256 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Thời hạn kháng nghị và gửi quyết định kháng nghị

  03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

  Quyết định kháng nghị phải được gửi cho Viện kiểm sát, Tòa án cấp có thẩm quyền, đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.

  Cơ sở pháp lý: Điều 263, Điều 264 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  • Thời hạn mở phiên tòa

  60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

  Cơ sở pháp lý: Điều 268 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

Tái thẩm

  • Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị đối với Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Thời hạn mở phiên tòa

  60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền tái thẩm phải mở phiên tòa.

  Cơ sở pháp lý: Điều 284, Điều 286 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.

  Vậy thời gian cho giai đoạn này là tối thiểu khoảng 425 ngày kể từ ngày người có thẩm quyền biết căn cứ kháng nghị theo quy định của pháp luật đến khi mở phiên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện hành chính, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *