PHẠM TỘI KHI SAY RƯỢU CÓ MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

Theo thống kê, Việt Nam là đất nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất. Thời gian qua có rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do người say rượu. Vậy những trường đó pháp luật quy định xử lý như thế nào? Liệu có được miễn trách nhiệm hình sự khi phạm tội trong tình trạng say rượu không ?

Phạm tội khi sử dụng rượu, bia bị xử lý thế nào ?

Trong tình trạng say do rượu hoặc say do dùng chất kích thích mạnh khác, người say có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đặt mình vào tình trạng say, tức là người này đã tự đặt mình vào tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế hoặc loại trừ. Họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, do đó họ có lỗi với tình trạng say của mình, đồng thời cũng có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.

Điều 13 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”

Như vậy, theo luật hình sự Việt Nam, người có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn bị coi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Say rượu có thể được giảm nhẹ hình phạt

Theo các quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì “say rượu” không phải là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu người phạm tội lâm vào tình trạng say rượu không có lỗi của họ thì có thể được Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “khác” theo quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung để giảm nhẹ một phần hình phạt

Say rượu có thể bị tăng nặng hình phạt

Mặc dù tình trạng “say rượu” hay “ngáo đá” không được quy định là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 52 Bộ luật hính sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, trong cấu thành của một số tội danh, có quy định tình tiết “phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” là tình tiết định khung tăng nặng. Cụ thể:

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 272 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy”

– Tại điểm b, khoản 2, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường sắt”

Ở cấu thành cơ bản: người phạm tội khi tham gia giao thông “đường bộ” và “đường thủy” chỉ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (riêng đối với “đường sắt” là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng), phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nhưng đối với trường hợp phạm tội do sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *