Từ vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn khiến 3 người thiệt mạng cho thấy nguy cơ tai nạn luôn rình rập do sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện. Đồng thời, lộ rõ bất cập trong đầu tư phân kỳ cao tốc 2 làn xe, thiết kế “nút cổ chai” 3 làn dồn 1, thiếu dải ngăn cách gây nên những mối nguy và sự lãng phí…
Đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn (ký hiệu toàn tuyến là CT.01 và CT.02) là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa phận hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tuyến đường có chiều dài 98,35 km, trong đó đoạn đi qua Quảng Trị dài 37,35 km và đoạn đi qua Thừa Thiên Huế dài 61 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 9 tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, tiếp nối với đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ và điểm cuối là nút giao La Sơn, kết nối với đường cao tốc La Sơn – Túy Loan và đường tỉnh 14B tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc này có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m, thiết kế với vận tốc 80 km/h. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có bề rộng nền 32,25m, toàn tuyến quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra với một gia đình ở cao tốc Cam Lộ – La Sơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua vẫn gây ám ảnh.
Khi xem những hình ảnh thực tế của vụ tai nạn, một trong những cảnh thể hiện rõ nhất là đường tồn tại những điểm thắt nút cổ chai khiến hướng vượt phía trước bị hẹp ở hai bên. Tài xế nếu vượt lên sẽ rất dễ có nguy cơ tai nạn.
Trên toàn tuyến cao tốc này hiện có nhiều nút thắt như vậy, đặc biệt là đoạn qua các khúc có lối ra, hoặc các đoạn thiết kế có trục giao thông lớn.
Video: vnexpress
Ôtô 7 chỗ vượt phải, va vào xe container, sau đó lao sang làn cao tốc ngược chiều và bị xe tải tông trúng khiến ba mẹ con tử vong, sáng 18/2.
Tài xế Phan Đình Kiều 55 tuổi, trú tỉnh Kon Tum, lái ôtô Ford Everest 7 chỗ chở gia đình anh Phan Đình Quý, trú TP Thanh Hóa, chạy trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn hướng Nam – Bắc. Gia đình gồm anh Quý 46 tuổi, vợ Lê Thị Hạnh 41 tuổi, hai con Phan Lê Khánh Vân 15 tuổi và Phan Đình Quang 9 tuổi.
Khoảng 10h, khi vừa hết đoạn cao tốc bốn làn xe cho phép vượt ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, ôtô 7 chỗ bất ngờ vượt phải, va vào đầu xe container biển Tiền Giang chạy cùng chiều.
Cú va chạm khiến ôtô 7 chỗ lộn một vòng, lao sang làn đường ngược chiều và bị xe tải biển Tiền Giang chạy hướng Bắc – Nam tông trúng. Xe con sau đó bay qua hộ lan cao 80 cm, rơi xuống vệ đường. Cùng lúc đó, xe container biển TP HCM chạy hướng Bắc – Nam lao tới, đâm trúng vào đầu xe tải.
Cháu Phan Đình Quang trên ôtô 7 chỗ tử vong tại chỗ. Chị Lê Thị Hạnh và cháu Phan Lê Khánh Vân được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở hai ở Phong Điền, nhưng đã tử vong. Hai người đàn ông đi cùng xe xây xát.
Thời điểm tai nạn, trời nắng, cao tốc Cam Lộ – La Sơn không đông.
Vậy nguyên nhân những vụ tai nạn là từ đâu?
Người đi đường lâu nay nói rằng cao tốc Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan là tuyến cao tốc nguy hiểm nhất. Số vụ tai nạn nhiều cùng với việc lái xe trong trạng thái căng thẳng cho thấy tuyến đường này tồn tại nhiều vấn đề. Một nguy cơ khác khiến tài xế lái xe trên đường này thường lo lắng, hồi hộp là đường không có dải phân cách cứng, mà đa phần chia làn đường bằng vạch sơn mềm. Đường hẹp, khổ đường nhỏ trong khi xe hỗn hợp đủ các loại tránh phí trên quốc lộ đã chọn đi đường này khiến nguy cơ tai nạn cao hơn.
Cao tốc thường xuất hiện sương mù
Một mối lo khác mà tài xế đều thừa nhận đó là cao tốc này đi qua địa hình đa phần đồi núi hiểm trở. Có những khúc cua vòng cung, xe phải “bò” chậm bám theo vạch sơn liền cấm vượt, phía trước tầm nhìn bị che khuất.
Cũng do địa hình đa phần đồi núi, vào sáng sớm và từ chiều tối, tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan thường có sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế.
Nhiều đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan đi qua khu dân cư nhưng hàng rào bảo vệ hành lang lại làm sơ sài, tạm bợ, chỉ giăng vài sợi thép gai thưa thớt, người và gia súc có thể ra vào dễ dàng trên tuyến cao tốc.
Người điều khiển phương tiện giao thông thường giật mình khi bất ngờ gặp chó băng ngang hoặc chạy rông trên đường. Tình trạng hai xe ngược chiều húc thẳng vào nhau trước đây xảy ra thường xuyên trên Quốc lộ 1A nhưng từ khi Quốc lộ 1A được nâng cấp mở rộng lên 4 làn, có giải phân cách cứng ở giữa đã giảm hẳn các vụ tai nạn giao thông đối đầu.
Trong khi đó, đường Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan được gọi là cao tốc nhưng mặt đường hẹp, chỉ có 2 làn ngược chiều, lại không có con lươn ở giữa. Mỗi lần xe sau vượt qua là lấn sang làn ngược chiều dễ xảy ra tai nạn đối đầu trực diện với xe ngược chiều.
Trung tá Nguyễn Đình Trung, Trưởng Trạm Cảnh sát Giao thông Cửa ô Hòa Nhơn, Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, quá trình tuần tra kiểm soát phát hiện nhiều trường hợp đi không đúng làn đường quy định, xe chạy quá tốc độ: “Đề xuất tăng cường lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ tại các đoạn đường cong, dốc nguy hiểm, bố trí lắp đặt hệ thống chiếu sáng và lắp đặt camera để phạt nguội đối với các phương tiện cố tình vi phạm. Có phương án mở rộng, nâng cấp làn đường để giảm tình trạng các phương tiện đi ngược chiều lấn làn, đối đầu để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến”.
Vì sao gọi cao tốc nhưng tuyến Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan chỉ có 2 làn xe và không có giải phân cách ở giữa? Về thực trạng này, đại diện Cục quản lý Đường bộ 3 cho biết, theo quy hoạch, đây là tuyến cao tốc Bắc – Nam. Hiện nay, tuyến đang mới hoàn thành giai đoạn 1, khi đưa vào sử dụng chưa đạt chuẩn nên tốc độ chỉ cho phép từ 60km đến 80 km/h.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông và Vận tải nghiên cứu, triển khai hoàn chỉnh cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan với bốn làn xe. Bộ Giao thông và Vận tải đã giao đơn vị chức năng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy mô hoàn chỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh Bộ Giao thông và Vận tải giải thích: “Bây giờ, biện pháp đảm bảo an toàn để giảm thiểu tai nạn thì không phải nhiệm vụ riêng của Ban Quản lý mà có sự chung tay cả xã hội. Lái xe phải lưu ý tuân thủ tốc độ trong biển báo quy định. Chạy ban đêm thì phải đảm bảo sức khỏe, đảm bảo giấc ngủ để khi lái xe phải tỉnh táo”.
Ông Trần Dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, lượng phương tiện đi từ Đà Nẵng – Huế và ngược lại trên cả tuyến Quốc lộ 1A và cao tốc La Sơn – Túy Loan khoảng 8.000 xe/ngày đêm. Trong đó, riêng trên cao tốc La Sơn – Túy Loan là 3.000 xe/ngày đêm mà chủ yếu là ô tô, xe tải, còn lưu thông trên Quốc lộ 1A là 5.000 xe gồm nhiều phương tiện hỗn hợp. Tuyến cao tốc La Sơn – Túy là đường miền núi mà lưu lượng xe 3.000 chiếc/ ngày đêm là đạt đến mức tối đa. Điều này cho thấy nhu cầu lưu thông trên tuyến đường này rất lớn. Từ khi thông đường Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan, lượng phương tiện từ biên giới Việt – Lào về qua đường này là chính, vì Quốc lộ 1A hiện có 3 trạm thu phí, nếu đi Quốc lộ 1A phải tốn phí qua trạm.
Ông Trần Dân ủng hộ việc Bộ Giao thông và Vận tải mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan lên 4 làn xe: “Vừa rồi nó bị sạt lở, nguyên nhân là việc khảo sát, thiết kế, điều tra địa chất không được kỹ nên mưa là xuống là nó gây tai nạn. Bây giờ, nếu mở rộng 4 làm xe được thì phải kết hợp điều tra kỹ về địa chất để thiết kế ta luy dương, ta luy âm cho tốt, không bị sạt lở vào mùa mưa, đảm bảo an toàn giao thông”.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 hoặc 0997.222.666 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.