MẸ VAY TIỀN, CON CÓ PHẢI TRẢ THAY KHÔNG?
Luật Đại Việt-Chi nhánh Đà Lạt vừa tiếp nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: “Kính chào công ty Luật Đại Việt-Chi nhánh Đà Lạt, mong công ty giải đáp thắc mắc của tôi về tình huống như sau. Tôi và bà N là hàng xóm láng giếng của nhau đã lâu. Vì con trai bà N xây nhà và cần tiền gấp, tôi đã cho bà N vay 5 cây vàng để bán lấy tiền. Thời hạn vay là 10 tháng (có giấy viết tay), tôi đã không lấy lãi vì tình làng nghĩa xóm. Sự việc trên cũng được con trai bà Y biết. Nhưng 5 tháng sau, bà N đột ngột qua đời vì đột quỵ. Do đã đến thời hạn trả nợ và cần tiền để sử dụng gấp, tôi đã yêu cầu H, là con trai bà N trả vàng. Anh H thì cho rằng đây không phải là việc của mình. Anh H nói vay tiền là việc của mẹ, nhưng hiện mẹ đã mất thì anh không có nghĩa vụ phải trả vàng. Tôi và anh H đã xảy ra tranh chấp nhưng không biết xử lý như thế nào. Mong luật sư tư vấn cho tôi làm thế nào để con trả nợ thay. Tôi xin chân thành cảm ơn”.
Công ty Luật Đại Việt-Chi nhánh Đà Lạt xin chào và cảm ơn vì đã nhận được sự tin tưởng của bạn. Trường hợp của bạn, Luật sư của chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra hướng giải quyết như sau:
Mâu thuẫn của bạn bắt nguồn từ việc bạn cho bà N mượn vàng, có giấy viết tay. Khi chưa đến hạn trả nợ thì bà N chết do đột quỵ. Bà N để lại số nợ phải trả. Khi đến hạn trả nợ, bạn yêu cầu con trai bà N trả nợ thay nhưng anh này không đồng ý. Bạn và anh H đã xảy ra mâu thuẫn với nhau.
Hợp đồng giữa bạn và bà N là hợp đồng vay tài sản. Bởi vì giữa bạn và bà N đã có thỏa thuận và bạn đã giao vàng cho bà N. Đối tượng trong hợp đồng này là vàng, cũng là đối tượng của hợp đồng cho vay tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Bà N có nghĩa vụ trả nợ cho bạn khi đến hạn. Bà N phải trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng (là 10 cây vàng) và chất lượng như ban đầu. Bà N không phải trả lãi cho bạn vì theo thỏa thuận, bạn đã nói rằng không phải trả lãi. Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”
Tuy nhiên, vì bà N đã chết nên bà N không thể thực hiện nghĩa vụ này. Trường hợp này, anh H là người thừa kế lại di sản của bà N do anh H là con của bà N. Vì vậy anh H có nghĩa vụ phải trả số nợ này, căn cứ theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”
Vì vậy việc mẹ anh H (là bà N) vay vàng của bạn và đến hạn phải trả nhưng đột ngột qua đời thì anh H sẽ hưởng thừa kế do bà N để lại. Anh H phải có nghĩa vụ trả nợ thay số tiền mà bà N đã vay nhưng chỉ trong phạm vi tài sản mà bà N để lại. Chúng tôi khuyến khích bạn giải thích, thỏa thuận cho anh H hiểu những vấn đề trên và trả nợ thay bà N. Vì hai nhà là hàng xóm của nhau, không nên xảy ra mẫu thuẫn, xung đột đáng tiếc. Trường hợp không thể thỏa thuận, bạn có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.