LẬP FANPAGE GIẢ MẠO CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ HAY KHÔNG?
Lập fanpage giả mạo là hành vi tạo fanpage giả, lấy tên, hình ảnh, thông tin giống với một trang facebook chính thức khác để mạo danh sử dụng với những mục đích khác nhau. Việc lập fanpage giả mạo tùy vào từng vụ việc cụ thể, mức độ hậu quả gây ra, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự. Hãy cùng Luật Đại-Việt Chi nhánh Đà Lạt cùng tìm hiểu vấn đề này.
Quy định về hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức cá nhân
Hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 3 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006:
“Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó”
Điều 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 về xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin như sau:
“1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Lập fanpage giả mạo bị xử lý hình sự như thế nào?
Hành vi lập fanpage giả mạo nếu có đủ yếu tố cấu thành thì tùy theo mức độ hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Giả sử lập fanpage giả mạo để chiếm đoạt tiền của người khác thì bị truy cứu tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc lập fanpage giả mạo để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có tình tiết sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội với khung hình phạt từ 03 tháng – 02 năm. Căn cứ Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ tục hình sự, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.