KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA CHỦ TỊCH TỈNH Ở ĐÂU

KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA CHỦ TỊCH TỈNH Ở ĐÂU?

Các quy định về khởi kiện trong tố tụng hành chính

Đối tượng khởi kiện

  Căn cứ theo Điều 28, 115 Luật tố tụng hành chính 2015, đối tượng khởi kiện bao gồm:

  • Quyết định hành chính;
  • Hành vi hành chính;
  • Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng, Giám đốc các sở và tương đương trở xuống;
  • Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán Nhà Nước;
  • Danh sách cử tri.

Thủ tục tiến hành khởi kiện

  Căn cứ theo các quy định tại chương IX Luật tố tụng hành chính 2015, quy trình tiến hành khởi kiện được tiến hành như sau:

  Bước 1: Gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án

  Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi qua dịch vụ bưu chính;
  • Lập và gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp thêm các tài liệu sau:

  • Bản chính quyết định hành chính hoặc chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quyết định có liên quan;
  • Bản chính Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại (nếu có);
  • Đối với việc khiếu nại Quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ – công chức bắt buộc phải có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà Nước, tổ chức hoặc người đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đó;
  • Giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện);
  • Bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân (có thị thực của cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền);
  • Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao);
  • Người khởi kiện phải nộp 02 (hai) bộ hồ sơ khởi kiện để Tòa án thông báo việc khiếu kiện cho người bị kiện.

  Bước 2: Tòa án tiếp nhận, phê duyệt và thụ lý đơn khởi kiện

  • Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán được thông báo cho người khởi kiện và được ghi chú vào sổ nhận đơn hoặc được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có);
  • Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

  Bước 3: Chuẩn bị xét xử

  • Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

  Bước 4: Mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm 

Thẩm quyền giải quyết khởi kiện quyết định hành chính

  Căn cứ theo các Điều 30, 31, 32, 33, 34 Luật tố tụng hành chính, thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện quyết định hành chính được quy định như sau:

  Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính từ cấp huyện trở xuống

  Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án
  • Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án
  • Khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án
  • Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

  Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết.

Điều kiện để khởi kiện QĐHC của Chủ tịch UBND tỉnh

  • Chủ thể khởi kiện: cá nhân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính của Chủ tịch tỉnh và có đủ năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính;
  • Không đồng ý với quyết định; đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà khiếu nại chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định đó.
  • Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp tỉnh;
  • Còn trong thời hiệu khởi kiện. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định  thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Trên đây là nội dung tư vấn về khởi kiện hành chính. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ khởi kiện hành chính, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *