HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ CÓ BẮT BUỘC PHẢI LẬP THÀNH VĂN BẢN?

HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ CÓ BẮT BUỘC PHẢI LẬP THÀNH VĂN BẢN?

Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải lập thành văn bản là một trong những câu hỏi khá phổ biến hiện nay. Nhất là đối với những cá nhân hay tổ chức có ý định thuê nhà để ở hay phục vụ cho mục đích nhu cầu riêng. Bài viết dưới đây của Công ty Đại Việt-Chi nhánh Đà lạt sẽ giúp quý khách hiểu rõ hơn về việc hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải lập văn bản.

Hợp đồng thuê nhà là gì?

  Hợp đồng thuê nhà là một dạng của hợp đồng thuê tài sản, hai bên thỏa thuận với nhau về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thuê nhà.

  Căn cứ vào Điều 472 Bộ luật Dân sự có quy định:

“Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Nội dung của hợp đồng thuê nhà

  Theo Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định hợp đồng về nhà ở như sau:

  (1) Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

  (2) Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;

  (3) Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

  (4) Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

  (5) Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;

  (6) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

  (7) Cam kết của các bên;

  (8) Các thỏa thuận khác;

  (9) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

  (10) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

  (11) Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải lập bằng văn bản không?

  Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

  Theo quy định chung của Bộ luật Dân sự thì hình thức hợp đồng được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên đối với hợp đồng về nhà ở thì hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản bao gồm những nội dung theo Điều 121 Luật Nhà ở 2014 như quy định của pháp luật.

  Hợp đồng thuê nhà được lập thành văn bản sẽ là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích pháp lý của các bên để tránh những trường hợp lừa đảo không đáng có, hạn chế tối đa rủi ro pháp lý đối với một số vấn đề như: tăng giá thuê trọ không phù hợp; chấm dứt hợp đồng mà không có căn cứ, thời hạn báo trước…

Những vấn đề cần lưu ý trong hợp đồng thuê nhà

  Khi các bên thuê nhà hoặc cho thuê nhà phải lập hợp đồng bằng văn bản và bảo đảm đầy đủ nội dung thuê nhà được quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014. Theo đó, hợp đồng thuê nhà phải có đầy đủ thông tin về quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc điểm nhà cho thuê: diện tích sử dụng chung, riêng, mục đích sử dụng…, giá thuê, thời hạn thuê, phương thức thanh toán, thời gian giao nhận nhà, phương thức bảo trì, sửa chữa nhà.

  Hợp đồng thuê nhà giữa hai bên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, để đảm bảo giá trị pháp lý, giữa bên thuê và bên cho thuê nên thực hiện công chứng, chứng thực

  Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục hợp đồng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ khởi kiện hành chính, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *