HÔN NHÂN THỰC TẾ VÀ CÁC MỐC THỜI GIAN XÁC ĐỊNH QUAN HỆ HÔN NHÂN THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Hôn nhân thực tế là gì?
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC ngày 03 tháng 01 năm 2001 về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình có quy định về những trường hợp hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, quyền và nghĩa vụ được áp dụng như hôn nhân hợp pháp.
- Từ quy định trên có thể kết luận: hôn nhân thực tế là trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và thỏa mãn những điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận hôn nhân hợp pháp, được giải quyết quyền, lợi ích và nghĩa vụ như hôn nhân hợp pháp.
Việc xác định quan hệ hôn nhân qua các thời kỳ pháp luật
Căn cứ theo thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC ngày 03 tháng 01 năm 2001, có thể chia ra 2 trường hợp như sau:
- Hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng, xác lập quan hệ vợ chồng với nhau trước ngày 03/01/1987.
Để được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng thì theo điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP này họ phải có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 như: có tổ chức lễ cưới; được gia đình chấp thuận; việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau cùng xây dựng gia đình.
- Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực)
Hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003. Trường hợp này sẽ phân biệt như sau:
- Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo thời gian trên mà đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được công nhận.
Đồng thời, quan hệ hôn nhân này được công nhận kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
- Nếu như sau thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2003 mà các cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo thời gian trên không tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp thì họ sẽ không được xem là vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó nếu có yêu cầu về thực hiện thủ tục ly hôn thì không áp dụng luật mà chỉ xử lý về vấn đề tranh chấp quyền nuôi con và tranh chấp phân chia tài sản.
- Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ cũng được pháp luật công nhận. Tuy nhiên trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.
- Như vậy, hôn nhân thực tế sẽ được pháp luật công nhận theo những trường hợp trên đồng thời phải có đáp ứng được một số điều kiện cụ thể như đã nêu.
Hệ quả pháp lý của hôn nhân thực tế theo quan hệ hôn nhân được xác định?
Trong trường hợp các cặp nam nữ đáp ứng điều kiện về hôn nhân thực tế theo như những trường hợp trên thì quan hệ hôn nhân thực tế này có các hệ quả pháp lý theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 điều chỉnh như sau:
- Về quan hệ hôn nhân: họ sẽ được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP nêu trên.
- Về con chung:
- Trong trường hợp yêu cầu ly hôn thì vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.
- Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con
- Về tài sản:
- Căn cứ Điều 27 Luật này thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
- Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
- Vợ chồng có thể chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận (Điều 29 Luật HNGĐ 2000)
- Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản (Điều 31 Luật này)
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục hành chính. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ khởi kiện hành chính, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.