Định tội danh là vấn đề cơ bản, quan trọng của khoa học luật hình sự, đồng thời cũng đóng vai trò là hoạt động chủ đạo trong thực tiễn tố tụng của cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án. Về cơ bản có thể hiểu định tội danh là hoạt động mang tính logic, dựa trên cơ sở là các chứng cứ, tài liệu cũng như các tình tiết thực tế của vụ án để đối chiếu, so sánh, kiểm tra nhằm xác định những điểm phù hợp hoặc không phù hợp giữa các dấu hiệu pháp lý của hành vi nguy hiểm cho xã hội với các yếu tố cấu thành tội phạm của một tội nhất định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Nhằm đánh giá đúng sự thực khách quan, tạo tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.
- Định tội danh dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm của tội giết người với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Trên thực tiễn, tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đều là những tội phạm rất nguy hiểm, có cấu thành riêng biệt, khác nhau về khách thể, về tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả. Dẫu vậy, vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp mà sự tách bạch và ranh giới giữa hai loại tội này thực sự mong manh. Để định danh đúng hai tội này cần dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm dưới đây:
Thứ nhất, về khách thể: Tội giết người xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Trong khi đó, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe và bất khả xâm phạm về thân thể của con người.
Thứ hai, về hành vi khách quan: Đối với tội giết người hành vi khách quan có thể tồn tại dưới dạng hành động hoặc không hành động. Người thực hiện hành vi giết người thường sử dụng công cụ, phương tiện, vũ khí tấn công vào khu vực trọng yếu trên cơ thể hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Người thực hiện hành vi giết người có thể thực hiện hành vi mang tính dồn dập, quyết liệt, tàn nhẫn (bổ, chém, đâm, chặt nhiều nhát) nhưng cũng có thể thực hiện hành vi rất tinh vi, xảo quyệt, thâm độc (bỏ thuốc độc, thả rắn vào nhà…). Trường hợp không hành động là việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm – thường gắn với các chủ thể đặc biệt như bác sĩ, công an, cứu hỏa (ví dụ: bác sĩ biết bệnh nhân nguy kịch dẫn đến tính mạng nhưng do trước đây hai bên mâu thuẫn nên đã không cứu giúp).
Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bắt buộc chủ thể phải thực hiện dưới dạng hành động, người thực hiện loại tội này cũng có thể sử dụng các vũ khí, vật tày, vật nhọn, xe máy, ô tô…làm phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội. Về tính chất, mức độ của hành vi cũng có thể mang tính quyết liệt, côn đồ, mạnh mẽ nhưng hành vi này chỉ tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe chứ không tổn hại đến tính mạng.
Thứ ba, về hậu quả: Tội giết người có cấu thành vật chất, đòi hỏi hậu quả chết người phải xảy ra, tuy nhiên trong một số trường hợp mặc dù chưa gây hậu quả chết người nhưng chủ thể thực hiện hành vi vẫn phải chịu hình phạt về tội này. Đó là khi chủ thể đã thực hiện xong hành vi phạm tội, nhưng do yếu tố khách quan mà hậu quả chưa xảy ra (phạm tội chưa đạt, đã hoàn thành).
Ví dụ: A dùng dao đâm B nhiều nhát với mong muốn giết B, sau đó ném B xuống sông. Tuy nhiên B được người dân cứu vớt lên bờ và đưa đi chữa trị kịp thời nên đã qua khỏi. Đối với những trường hợp này, hành vi phạm tội của A đã hoàn thành, thỏa mãn tất cả các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm. Nói cách khác, A đã làm mọi cách, thực hiện hết tất thảy các hành vi có thể để giết B nhưng hậu quả không xảy ra nằm ngoài mong muốn và dự tính của người thực hiện hành vi phạm tội (mang tính khách quan), bởi lẽ tại thời điểm thực hiện hành vi của mình, A đã thấy toàn bộ các biểu hiện của nạn nhân B và tự kết luận nạn nhân đã chết nên mới chấm dứt hành vi tấn công lại.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cũng có cấu thành vật chất, đòi hỏi nạn nhân phải bị thương tật với một ngưỡng nhất định. Theo đó, hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên bị coi là tội phạm. Tỉ lệ thương tật càng cao, khung hình phạt càng hớn. Nếu hậu quả tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi; Phạm tội đối với phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình…thì cũng được coi là tội phạm.
Thứ tư, về yếu tố lỗi: Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người chưa đạt. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (nếu thỏa mãn cấu thành của loại tội này)
Trong khi đó, người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể thấy trước hậu quả gây tổn thương cơ thể cho người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc hậu quả xảy ra (tức là vô ý với cái chết của nạn nhân).
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 hoặc 0997.222.666 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.