CÓ ĐƯỢC TỪ CHỐI RA TÒA DÂN SỰ LÀM CHỨNG KHÔNG?
Anh Dũng khách hàng của Công ty Luật Đại Việt-Chi nhánh Đà Lạt đã gửi tới câu hỏi: “Tôi có được tòa án triệu tập làm chứng trong vụ án dân sự, nhưng vì lo sợ gây nên thù oán nên tôi không muốn tham gia. Cho tôi xin hỏi quý công ty liệu tôi không tham gia thì có bị gì hay không. Tôi xin cảm ơn”. Công ty Luật Đại Việt-Chi nhánh Đà Lạt xin trả lời thắc mắc của quý khách hàng như sau:
Thế nào là người làm chứng trong pháp luật dân sự
Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc, được đương sự đề nghị hoặc Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Ngoài ra, người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng
Quyền của người làm chứng
Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định cụ thể tại Điều 78 Bộ luật Tố Tụng dân sự 2015:
Người làm chứng có các quyền sau đây:
- Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật có được liên quan đến vụ việc.
- Từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
- Nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai.
- Được thanh toán các khoản chi phí liên quan theo quy định của pháp luật.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng.
Nghĩa vụ của người làm chứng
Người làm chứng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
- Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp. Trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
- Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Quyền từ chối khai báo của người làm chứng
Quyền từ chối khai báo là một quyền quan trọng của người làm chứng. Từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, nhà nước hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
Trên tinh thần của điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự giải thích cụ thể các nội dung liên quan đến quyền được từ chối khai báo trên như sau:
Xét các vấn đề liên quan đến bí mật cá nhân, gia đình, nghề nghiệp, nhà nước
Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung,…) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: Tuyệt mật, Tối mật hoặc Mật.
Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ của chính người làm chứng.
Xét các vấn đề có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích
Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;
- Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;
- Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;
- Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
Ảnh hưởng xấu cho đương sự là trường hợp nếu người làm chứng khai ra những điều mình biết thì ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc ảnh hưởng xấu khác trong cuộc sống, công tác, sản xuất, kinh doanh của đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng.
Người làm chứng khai báo sai sự thật
Theo khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người làm chứng có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lời khai sai sự thật mà dẫn đến hậu quả là thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác. Tức người làm chứng có thể bị kiện và bị đòi bồi thường thiệt hại nếu lời khai sai sự thật mà gây thiệt hại.
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử
Khi người làm chứng từ chối khai báo vì các lý do hợp lệ trên thì Thẩm phán phải giải thích cho họ biết nếu việc từ chối khai báo không có căn cứ, thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Hơn thế, tại khoản 2 Điều 20 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên toà để khai báo khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ;
- Người làm chứng không đến phiên toà mà không có lý do chính đáng;
- Việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên toà gây trở ngại cho việc xét xử vụ án;
- Việc dẫn giải người làm chứng đến phiên toà có thể thực hiện được trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.
Quyết định dẫn giải người làm chứng phải được giao ngay cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA (V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.