CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC TẠM ỨNG TIỀN LƯƠNG

CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC TẠM ỨNG TIỀN LƯƠNG

Quy định về tạm ứng tiền lương của người lao động

  Theo quy định của pháp luật Lao động hiện nay thì người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

  Theo đó, tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019(sau đây viết tắt là BLLĐ 2019) cũng đã quy định cụ thể về tiền lương của người lao động như sau:  Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

  Tại Điều 101 BLLĐ 2019, luật ghi nhận những trường hợp mà người lao động được tạm ứng tiền lương. Ngoài ra, quy định liên quan đến vấn đề này còn nằm ở Điều 96 và Điều 128 Bộ luật này.

  Như vậy, hiện nay người lao động hoàn toàn có quyền xin tạm ứng tiền lương theo điều kiện do người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận và tiền tạm ứng này sẽ không bị tính lãi.

  Cơ sở pháp lý: Điều 90, Điều 101 Bộ luật Lao động 2019

Các trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định của pháp luật

Người lao động làm việc và hưởng lương theo sản phẩm, khoán và làm công việc trong nhiều tháng.

  Theo quy định tại khoản 3 Điều 97 BLLĐ 2019 về kỳ hạn trả lương, Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

  Như vậy, nếu người lao động làm việc hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán và công việc phải làm trong nhiều tháng thì sẽ được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc mà mình đã hoàn thành trong tháng đó.

Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên

  Theo quy định tại khoản 2 Điều 101 BLLĐ 2019, người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

  Tuy nhiên, cũng tại Điều này, luật quy định rằng người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Người lao động nghỉ hằng năm

  Theo quy định tại khoản 3 Điều 101 BLLĐ 2019, Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Người lao động bị tạm đình chỉ công việc

  Liên quan đến quy định này, tại Điều 128 BLLĐ 2019 có quy định rằng, Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Theo thoả thuận

  Theo khoản 1 Điều 101 BLLĐ 2019, Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

  Như vậy, theo quy định này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được tạm ứng tiền lương theo những điều kiện nhất định mà không bị tính lãi. Đây là quy định mang tính chất nền tảng trong các quan hệ về lao động và dân sự, đề cao sự tự do thỏa thuận và bình đẳng của các bên, tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các điều kiện được thỏa thuận này không được trái pháp luật.

Trường hợp người sử dụng lao động không cho tạm ứng lương thì bị xử phạt như thế nào?

  Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2020/NĐ-CP, Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

  • Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật;
  • Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
  • Không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm;
  • Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật;
  • Không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động

  Mức xử phạt hành chính như sau:

  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

  Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định này, mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm trên đây là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Điều đó có nghĩa rằng, nếu người sử dụng lao động là doanh nghiệp, tổ chức thì mức phạt hành chính sẽ gấp hai lần mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân.

  Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục lao động. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ khởi kiện hành chính, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *