CÁC NỘI DUNG VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ MÀ DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý
Các nội dung về sỡ hữu trí tuệ mà doanh nghiệp cần lưu ý bao gồm các thông tin về đối tượng được đăng ký để bảo hộ về sở hữu trí tuệ; Chủ thể sẽ được bảo hộ các quyền đối với việc khai thác các đối tượng được bảo hộ; Doanh nghiệp cần xử lý như thế nào khi bị xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan.
Các đối tượng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ
Kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp giữa những yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp cần có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019, sáng chế cần đáp ứng tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Giải pháp hữu ích
Theo quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 nếu sáng chế không đáp ứng điều kiện có trình độ sáng tạo mà chỉ là không phải là hiểu biết thông thường thì sẽ được cấp bằng bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Quyền tác giả và quyền liên quan
Quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm mà mình sáng tạo ra hoặc có quyền sở hữu. Theo quy định tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 thì quyền tác giả bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.
Đối với các quyền nhân thân không chuyển giao được theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 thì quyền tác giả được bảo hộ vô thời hạn. Còn đối với quyền nhân thân có thể chuyển giao và quyền tài sản đối với tác phẩm thì thời hạn bảo hộ được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019.
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019.
Chủ thể được bảo hộ
Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Điều kiện để các đối tượng được bảo hộ
Tùy vào từng đối tượng mà có các điều kiện bảo hộ khác nhau, theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019 được quy định như sau:
- Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không quan trọng nội dung và đã đăng ký hay chưa đăng ký
- Quyền liên quan phát sinh từ khi các hình thức biểu diễn được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả
- Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập dựa trên văn bằng bảo hộ, riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì không dựa trên thủ tục đăng ký. Đối với tên thương mại thì được xác lập từ thời điểm sử dụng hợp pháp tên đó, quyền đối với bí mật kinh doanh được xác lập từ khi sử dụng một cách hợp pháp.
- Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp bằng bảo hộ của nhà nước theo quy định.
Rủi ro pháp lý khi quyền sở hữu bị xâm phạm
Các đối tượng được bảo hộ theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ là những đối tượng mà tác giả hoặc chủ sở hữu đối với đối tượng đó bỏ tiền bạc và công sức của mình để tạo ra và thực hiện việc đăng ký đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi doanh nghiệp là tác giả hoặc chủ sở hữu đối với đối tượng được bảo hộ nhưng không thực hiện việc đăng ký sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp có thể gặp phải các rủi ro sau:
- Có doanh nghiệp thực hiện sau nhưng lại đăng ký quyền sở hữu trước dẫn đến việc khai thác của doanh nghiệp là sai quy định của pháp luật, có thể bị khởi kiện theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019
- Đặc điểm nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp có thể bị doanh nghiệp khác khai thác và sử dụng.
Xử lý khi có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Khi có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được bảo hộ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung 2009, 2019, cụ thể như sau:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại luật này hoặc các quy định tại luật khác có liên quan
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục sở hữu trí tuệ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về thủ khởi kiện hành chính, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.