Trong thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất phức tạp, “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” là những tội phạm có những điểm tương đồng. Song, cũng có những điểm khác biệt. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp phạm tội có các đặc điểm, cấu thành tương tự với cấu thành tội che giấu hành vi phạm tội, nhưng cũng có điểm giống cấu thành tội không tố giác tội phạm. Sau đây là một số vấn đề pháp lý để phân biệt “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”.
Cụ thể, “Che giấu tội phạm” được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
Điều 18. Che giấu tội phạm
- Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
- Người Che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
– Biểu hiện của hành vi:
+ Che giấu người phạm tội: Cho người phạm tội trốn trong nhà mình hoặc nơi khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che giấu người phạm tội.
+ Che giấu: Giấu vết, tang vật của tội phạm.
+ Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm: Thể hiện ở các hành vi như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ giấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…
“Không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như sau:
Điều 19. Không tố giác tội phạm
- Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Trong trường hợp này, chủ thể là người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Biểu hiện của hành vi: Không tố giác tội phạm dù biết rất rõ về tội phạm.
*Điểm giống nhau giữa “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”:
– Thứ nhất, 02 tội phạm này đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
– Thứ hai, 02 tội phạm này đều có điều khoản miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng là người thân thích của người có hành vi phạm tội nhưng không bị tố giác hoặc phát hiện. Đối tượng có thể được miễn trách nhiệm cho 02 tội phạm này là: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Điểm khác nhau giữa “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”:
Bên cạnh các điểm tương đồng, tội “Che giấu tội phạm” và tội “Không tố giác tội phạm” cũng có những điểm phân biệt như sau:
– Thứ nhất, khác biệt về mặt nhận thức của người phạm tội:
“Che giấu tội phạm” là chỉ biết về hành vi phạm tội của người phạm tội đã xảy ra và không biết trước hay hứa hẹn gì với người phạm tội. Còn “Không tố giác tội phạm” là biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đang xảy ra nhưng chọn cách không tố giác hoặc báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Thứ hai, khác biệt về thời điểm phạm tội:
Về hành vi “Che giấu tội phạm”: Chỉ thực hiện sau khi biết được một tội phạm khác đã xảy ra.
Về hành vi “Không tố giác tội phạm”: Bất cứ giai đoạn nào của tội phạm (sắp, đang, đã xảy ra)
– Thứ ba, cách thức thực hiện hành vi:
Về hành vi “Che giấu tội phạm”: Che giấu giấu vết, tang vật của tội phạm, cản trở việc điều tra tội phạm.
Về hành vi “Không tố giác tội phạm”: Biết nhưng không tố giác với cơ quan chức năng.
– Thứ tư, về trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa cho hai tội trên.
Về hành vi “Che giấu tội phạm”: Người bào chữa biết và che giấu tội phạm sẽ bị xử lý hình sự nếu phạm tội.
Về hành vi “Không tố giác tội phạm”: Miễn trách nhiệm hình sự cho người bào chữa, trừ không tố giác tội xâm phạm an ninh, tội khác đặc biệt nghiêm trọng.
– Thứ năm, 02 tội có khung hình phạt khác nhau.
+ Ở khung hình phạt thứ nhất: Theo Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, tội “Che giấu tội phạm” có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm; còn theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội “Không tố giác tội phạm” đối mặt với hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Ở mức khung hình phạt thứ hai: Quy định tại khoản 2 Điều 389, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về mức hình phạt có tình tiết tăng nặng và mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn được áp dụng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật mà người vi phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi “Che giấu tội phạm”, lấy tầm ảnh hưởng của mình để gây khó khăn cản trở cơ quan chức năng phát hiện tội phạm và điều tra tội phạm. Về tính chất khi người phạm tội thuộc vào các trường hợp này sẽ gây rất nhiều khó khăn để thực thi pháp luật đối với những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nên mức hình phạt tù cao hơn với mức án từ 02 năm đến 07 năm tù. Còn đối với khoản 2 Điều 390, Bộ luật Hình sự 2015 của tội “Không tố giác tội phạm”, người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.