TẨU TÁN TÀI SẢN VÀ CÁC HÀNH VI TẨU TÁN TÀI SẢN

 

I. Khái niệm và đặc điểm của hành vi tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp

1.Khái niệm

Thuật ngữ “tẩu tán, che giấu tài sản” thường được dùng để chỉ hành vi chia nhỏ, cất giấu tiền, vật (tài sản phạm pháp) vào nơi kín đáo, không cho người khác nhìn thấy để bị thu giữ. Hành vi này thường được đề cập đối với người phạm tội trong các trường hợp tẩu tán tài sản do phạm tội mà có nhằm truy cứu tội phạm mới phát sinh (ví dụ: Tội rửa tiền, Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có). Thực tiễn cho thấy, người phạm tội thường có ý thức che giấu, tẩu tán mọi tài sản, kể cả những tài sản thuộc sở hữu của chính mình trước và ngay khi phạm tội. Điều này được áp dụng khi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không truy tìm và thu giữ kịp thời tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, thì sẽ sử dụng tài sản của chính người phạm tội để cấn trừ thiệt hại theo nguyên tắc ngang bằng.

Tài sản liên quan đến tội phạm theo nhóm các tài sản được phép tịch thu hoặc không tịch thu sung quỹ nhà nước:

  • Tài sản được phép tịch thu sung quỹ nhà nước bao gồm: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, trao đổi các thứ này mà có; các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành. Chỉ được tịch thu vật, tiền là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi họ có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội.
  • Tài sản không được phép tịch thu sung quỹ nhà nước bao gồm: Vật, tiền bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép bắt buộc phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Việc phân chia này có ý nghĩa quan trọng trong quyết định áp dụng các biện pháp tư pháp được pháp luật cho phép nhằm xử lý từng tài sản liên quan đến tội phạm, tránh bỏ sót hoặc trùng lặp, mâu thuẫn khi xác định thứ tự các quyền ưu tiên xử lý. Đặc biệt, những tài sản do phạm tội mà có thường được người phạm tội trao đổi, chuyển nhượng hoặc đưa vào các hoạt động kinh doanh (ví dụ: Lợi nhuận từ các khoản đầu tư, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đối với khoản tiền phạm pháp,…) bắt buộc phải tịch thu sung quỹ nhà nước theo đúng quy định.

2. Đặc điểm

Thứ nhất, người phạm tội có nhận thức chung là nhanh chóng tẩu tán, che giấu tài sản do phạm tội mà có (kể cả những tài sản thuộc sở hữu của mình sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc để không bị thu hồi nhằm thực hiện nghĩa vụ bồi thường) ngay khi tiếp cận, nắm giữ trên thực tế tài sản đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không thể suy đoán họ hoặc người thân của họ sẽ tự giác nộp lại đầy đủ, kịp thời những tài sản phạm pháp này. Nhận diện và đấu tranh quyết liệt, kiên trì, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp với từng bối cảnh của tội phạm thì mới có thể đạt được phần nào mục tiêu đề ra. Việc cất giấu tài sản còn được các đối tượng sử dụng cho các giao dịch dân sự, kinh doanh thu lợi nhuận.

Các đối tượng thường sử dụng nguồn tiền phạm pháp cho các khoản đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản,… Đây là lĩnh vực phức tạp, nhiều biến động, rủi ro đối với nền kinh tế, tạo ra những nguy cơ, bất ổn cho thị trường tài chính, bất động sản, đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong việc truy vết, làm rõ sự liên hệ giữa tài sản với tội phạm để xử lý theo đúng quy định.

Thứ hai, hành vi tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp còn nhằm xóa các dấu vết (chứng cứ của vụ án hình sự), tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc chủ động giảm thiểu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội,… Thủ đoạn thường thấy của các đối tượng là đẩy tài sản phạm pháp rời xa họ (xóa sạch sự liên hệ giữa người phạm tội với những tài sản này thông qua các giao dịch ngầm, giả tạo). Đặc biệt là trong thời đại công nghệ ngân hàng số, dòng tiền phạm pháp được các đối tượng chủ động lưu chuyển nhanh chóng sang các chủ thể trong và ngoài nước để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, theo những phát hiện và khuyến cáo gần đây của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính về rửa tiền (FATF). Khi đó, việc nhận diện đúng và thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Thứ ba, hành vi tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp thường làm phát sinh tội phạm mới ngoài tội phạm nguồn là Tội rửa tiền. Quan hệ giữa tham nhũng và rửa tiền gắn bó chặt chẽ với nhau như được đánh giá: “Đối với những kẻ tham nhũng, khả năng chuyển nhượng và che giấu tiền của là hết sức quan trọng, nhất là trong những vụ tham nhũng quy mô lớn”. Nói cách khác, các khoản tiền phạm pháp có được từ tham nhũng sẽ nhanh chóng chuyển dịch, kể cả qua trung tâm tài chính ở nước ngoài như khuyến cáo. Xu hướng dịch chuyển tài sản phát sinh từ hành vi tham nhũng cho thấy tội phạm lĩnh vực này không chỉ dừng lại ở khâu nắm giữ, cất giấu tài sản chiếm đoạt, vụ lợi mà còn nằm trong các giao dịch dân sự và kinh tế dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, sự ổn định của trật tự kinh tế.

Thứ tư, tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp tác động tới hoạt động thị trường vốn, nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải nộp vào ngân sách nhà nước. Việc phát hiện, xử lý giúp Nhà nước kiểm soát nguồn tài sản tích lũy, giao dịch chuyển nhượng, huy động vốn của các tổ chức, cá nhân chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ minh bạch, lành mạnh, hiệu quả. Hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam không bắt buộc các tổ chức, cá nhân chứng minh nguồn gốc tài sản được quản lý, sử dụng hợp pháp hoặc không hợp pháp như một số nước khác. Do đó, theo tác giả, cần đánh giá tính hiệu quả trong các quy định, cũng như trong quá trình xây dựng cơ chế thực thi pháp luật phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế theo các tiêu chí sau đây:

  • Minh bạch hóa chính sách kinh tế khi quyết định chuyển giao vốn, dự án đầu tư, kinh doanh dưới các hình thức như: Công khai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, đơn giản các thủ tục hành chính, đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế; kiểm soát tốt thu nhập, tài sản của doanh nghiệp, cá nhân, nhất là với các đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao; đặt ra chuẩn mực trong các quy định về quản lý kinh tế, bao gồm các hoạt động giám sát hiệu quả việc sử dụng vốn, dự án đầu tư; giám sát xã hội… Mục đích của việc này là giảm thiểu cơ hội, phát hiện kịp thời sai phạm và đưa ra các khuyến cáo, quyết định cần thiết, hiện thực hóa cơ chế giám sát đa tầng có hiệu quả dựa vào quá trình tiếp cận và quy luật luân chuyển tài sản phạm pháp được nhận diện.
  • Ngăn chặn, hạn chế thấp nhất những thất thoát, mất mát tài sản, nhất là những tài sản có nguy cơ tham nhũng cao. Hoạt động này phải được xây dựng và thực thi không bị giới hạn bởi những rào cản pháp lý ở bất kỳ giai đoạn nào của hành vi tham nhũng, thể hiện được sự đa dạng trong các biện pháp được áp dụng, ngay cả khi các cơ quan có thẩm quyền bắt đầu chuyển giao tài sản, dự án đầu tư cho các tổ chức kinh tế, khi đó việc ngăn chặn tài sản bị chiếm đoạt thất thoát mang lại hiệu quả cao hơn. Khi phát hiện tội phạm, thiệt hại, thất thoát nếu có cũng không đáng kể, có thể khắc phục kịp thời, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tổ chức kinh tế khác.

II. Nhận diện các thủ đoạn tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp và hướng xử lý

1.Trực tiếp hoặc nhờ người khác tẩu tán, cất giấu tài sản phạm pháp

– Trực tiếp tẩu tán, cất giấu tài sản phạm pháp: Hành vi này được thực hiện nhằm phân tán, che giấu thông tin về tài sản phạm pháp, song vẫn giúp người vi phạm chủ động kiểm soát và quyết định chuyển dịch tài sản phạm pháp khi cần thiết (theo ý chí chủ quan). Hình thức tẩu tán, che giấu này phù hợp với một số loại tài sản là động sản dễ dịch chuyển, không bắt buộc phải qua thủ tục đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này cũng đặt ra không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh tài sản thực tế đối với đối tượng phạm tội đang nắm giữ tài sản khi áp dụng các biện pháp tư pháp.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng trên thế giới vẫn phát hiện các đối tượng cất giấu tiền, vàng với số lượng lớn thay vì đưa chúng vào các hoạt động kinh doanh. Ở Việt Nam, qua theo dõi các vụ án cho thấy, việc phát hiện, xử lý các hành vi cất giấu tài sản phạm pháp còn hạn chế, theo tác giả, nguyên nhân là:

  • Chưa có cơ chế minh bạch, hiệu quả kiểm soát tài sản của các tổ chức, cá nhân;
  • Áp dụng các biện pháp điều tra, thu giữ tài sản phạm pháp khẩn cấp giai đoạn tiền tố tụng chưa triệt để;
  • Hoạt động tố tụng hình sự khá phức tạp, phải tuân thủ trình tự, thủ tục luật định mang tính cứng nhắc, phụ thuộc vào việc phát hiện, đánh giá chứng cứ qua hoạt động truy vết tài sản phạm pháp.

– Nhờ người khác tẩu tán, cất giấu tài sản: Hành vi này phù hợp với các đối tượng tham nhũng luôn bị kiểm soát bằng các hình thức kê khai, giám sát thu nhập. Chính việc người phạm tội đồng ý để người khác thay mặt họ đứng ra quản lý những tài sản này đã thể hiện rõ hàm ý che giấu tài sản phạm pháp (thay đổi trực tiếp tư cách chủ sở hữu hoặc quản lý đối với tài sản). Để quản lý, định đoạt những tài sản chiếm đoạt theo đúng ý chí của người phạm tội, giữa người phạm tội và người thay mặt họ tẩu tán, che giấu tài sản (đứng chủ quyền thay) phải có quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường, người phạm tội lựa chọn những người có quan hệ thân thích như cha mẹ, vợ chồng, con hoặc bạn thân, người có quan hệ lệ thuộc (cấp dưới trong doanh nghiệp) thay mặt họ quản lý, đứng tên tài sản. Điều này gây ra không ít khó khăn khi truy tìm nguồn gốc tài sản, cũng như truy nguyên đối tượng phạm pháp thật sự.

Quy định của pháp luật Việt Nam không bắt buộc chủ sở hữu tài sản phải chứng minh quá trình tạo lập, phát triển tài sản, xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng thì việc nhận diện hành vi này trở nên khó khăn hơn. Thủ đoạn này được người phạm tội thường xuyên sử dụng, khó phát hiện nếu các cơ quan pháp luật chỉ dừng lại ở việc kiểm soát hồ sơ đăng ký tài sản của chính chủ thể có tên chủ quyền trên tài sản đó.

Pháp luật hình sự cho phép xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; song hành vi “rửa tiền” vẫn thường được các đối tượng phạm tội lựa chọn để che giấu, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Vì vậy, trong hoạt động phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế luôn có sự hiện diện của người thân tham gia cùng với người phạm tội. Những kiến nghị đưa những người thân thích như cha mẹ, vợ chồng, con vào diện theo dõi biến động tài sản và xem đây là người có lợi ích liên quan với nhóm người nguy cơ tham nhũng cao để kịp thời phát hiện và xử lý tội phạm có những cơ sở nhất định.

2.Chuyển những tài sản phạm pháp vào các giao dịch dân sự, kinh tế

Tài sản có nguồn gốc hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên lý thuyết phải được lưu giữ, sử dụng cho các mục đích khác nhau, không bị cản trở do quy định của pháp luật không có giới hạn cụ thể. Các đối tượng thường đưa tài sản (dưới hình thức vốn) vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các khoản thanh toán, đầu tư. Điều này đặt ra vấn đề thu hồi tài sản phạm pháp thế nào cho đúng quy định? Dựa vào tài sản phạm pháp do tổ chức, cá nhân nắm giữ để xử lý hay dựa vào tính hợp pháp của giao dịch đối với những tài sản bất hợp pháp đó?

Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng tư cách pháp nhân của các đơn vị kinh tế có chức năng kinh doanh để thực hiện hành vi chiếm đoạt và che giấu tài sản phạm pháp. Quá trình điều tra, xác minh đã làm rõ sai phạm của từng cá nhân; từ đó, quyết định của Tòa án đã tuyên phần trách nhiệm hình sự và xử lý thu hồi tài sản là đúng đắn. Vụ án cũng cho thấy, tình trạng người phạm tội “núp bóng” các doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng các doanh nghiệp để che giấu tài sản phạm pháp xảy ra khá phổ biến. Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã điều tra, xác định thủ đoạn gian dối của các cá nhân để xử lý trách nhiệm hình sự và dân sự là thuyết phục.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan hoặc cần tư về khởi kiện dân sự, quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Đại Việt qua hotline 0913.333.222 hoặc 0997.222.666 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *