1) Di sản là gì? Người nhận di sản có nghĩa vụ gì không?
Theo Điều 612 Bộ Luật Dân sự 2015, di sản là tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Bên cạnh đó, Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân. Như vậy, người nhận di sản (người thừa kế) phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Ví dụ: người cha qua đời để lại quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho con, nhưng tài sản đó đang được thế chấp tại ngân hàng, hoặc đang là tài sản bảo đảm để cam kết cho khoản vay nào đó thì người nhận di sản phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài sản (giải chấp, trả nợ,…) đối với phần tài sản được hưởng trước khi hưởng phần di sản thừa kế đó.
2) Biết người để lại di sản có nợ, người thừa kế có được từ chối nhận di sản thừa kế không?
Theo Điều 620 Bộ Luật Dân sự 2015, việc từ chối nhận di sản được quy định như sau:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Như vậy, cá nhân có quyền được nhận thừa kế, và được quyền từ chối nhận di sản thừa kế.
Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và phải được lập trước thời điểm phân chia di sản. Ngoài ra, người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác cũng sẽ không được chấp nhận từ chối nhận di sản.
Ví dụ: người để lại di chúc, chỉ định bạn là người nhận di sản và trong đó có kèm theo nghĩa vụ tài sản (cụ thể là trả nợ) trong phạm vi di sản bạn đã nhận, trong trường hợp này bạn sẽ không được từ chối nhận di sản để trốn tránh việc trả nợ.
Do đó, khi biết người để lại di sản có nợ, bạn cũng không được từ chối nhận di sản thừa kế dù là có làm văn bản từ chối nhận di sản trước thời điểm phân chia di sản.
3) Phần di sản bị từ chối nhận thừa kế sẽ được chia thế nào?
Theo Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- a) Không có di chúc;
- b) Di chúc không hợp pháp;
- c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Do đó, nếu người thừa kế từ chối nhận di sản mà người lập di chúc để lại thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế.