Say xỉn có phải là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không?
Trong bối cảnh phát triển cả nền kinh tế lẫn nhu cầu sống của con người hiện nay, tình trạng có lối sống lệch lạc sử dụng bia rượu rất phổ biến. Có không ít trường hợp đánh nhau vì say xỉn, gây tai nạn vì say xỉn. Và đó cũng là cái cớ để nhiều người đổ lỗi cho cơn say nên không làm chủ được nhận thức và hành vi dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.
Thế thì một câu hỏi được đặt ra: liệu phạm tội khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích có được xem là tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động không?
(1) Phạm tội khi đã uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích
– Theo Điều 13 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau:
“Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”
à Như vậy, mặc dù pháp luật công nhận người phạm tội do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích là phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng dù là vậy, người phạm tội do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như bình thường.
(2) Phạm tội khi say xỉn có được xem là trạng thái tinh thần bị kích động không?
– Theo Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định các tình tiết được giảm nhẹ hình sự, có một tình tiết giảm nhẹ ở điểm e khoản 1 là phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.
– Trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra không được quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành, tuy nhiên có thể tham chiếu Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn “tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” tại Bộ luật Hình sự 1985 như sau:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.”
à Như vậy, có thể hiểu “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là: hành vi cố ý phạm tội trong trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiểm soát được bản thân do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người đó.
– Tuy nhiên, đối với trường hợp người uống rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, lợi dụng lúc có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi hành hung, giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án.
– Từ những căn cứ nêu trên, có thể khẳng định say xỉn không phải là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và cũng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.